Trang chủ Hoạt động giáo dục Hoạt động Văn nghệ - TDTT

Thư viện Trường THCS Phúc Xá giới thiệu sách tháng 12: "Mãi mãi tuổi hai mươi"

07/12/2021 756

     Hình tượng anh bộ đội cụ Hồ đã trở nên thật gần gũi, thân thương, là một biểu tượng đẹp, rất đáng tự hào của người Việt Nam. Những hi sinh, gian khổ mà họ trải qua trong chiến tranh; những ý chí, nghị lực, sự kiên cường, dũng cảm chiến thắng kẻ thù xâm lược của bộ đội ta là dấu ấn sâu đậm, mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà.

     Hoà chung với không khí thiêng liêng chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944 - 22/12/2021, thư viện trường THCS Phúc Xá xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em học sinh một cuốn sách - cuốn nhật kí thời chiến của một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm rung động trái tim của rất nhiều độc giả, ở mọi lứa tuổi.

     Cuốn sách đặc biệt của ngày hôm nay có một cái tên rất trẻ, tràn đầy sức sống: "Mãi mãi tuổi hai mươi" dưới tựa đề: "Nhật kí thời chiến Việt Nam".

- Cuốn sách "Mãi mãi tuổi hai mươi" -

     Mãi mãi tuổi hai mươi" là cuốn nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (1952-1972) viết từ ngày 2-10-1971 (thời gian đầu của cuộc đời quân ngũ) và kết thúc ngày 24-5-1972 (trước khi hành quân vào tuyến lửa). Khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi chưa đầy một năm, một lát cắt trong cuộc đời con người nhưng nó cho ta thấy thế giới tâm tư phong phú, thấy cả tâm hồn anh, con người anh. Và đằng sau đó, ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của cả một thế hệ đã sống và chiến đấu hết mình cho Tổ quốc thân yêu.

     Nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng cùng với việc biên soạn những lá thư chiến tranh đã sưu tầm, giới thiệu tập nhật ký này...

     Nhân vật mà chúng ta được gặp trong các trang sách là một người trai Hà Nội. Khi anh bước chân vào ngưỡng cửa Đại học là khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang thời kì căng thẳng, ác liệt nhất. Anh là sinh viên xuất sắc của khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh có thể được chọn một con đường khác vào đời. Nhưng anh và cả thế hệ anh, năm tháng ấy đã cởi áo sinh viên để khoác lên mình áo lính. Không có sự lựa chọn nào khác khi Tổ quốc lâm nguy, bởi "Cuộc đời đẹp nhất của thanh niên là trên trận tuyến đánh quân thù". Và anh, một thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, đã chọn theo Cách mạng "Nước còn giặc còn đi đánh giặc, đánh đến cùng mới thôi"...

- Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ -

     Ngay từ đầu, cuốn sách đã mở ra những trang đẹp nhất của tâm hồn anh với khát vọng ra đi, lý tưởng chiến đấu và ý thức trách nhiệm vì Tổ quốc.  

     Những dòng nhật kí ấy cho ta thấy một tâm hồn giàu rung cảm trước thiên nhiên tha thiết yêu quê hương đất nước. Những dòng văn đẹp lấp lánh như làm sáng bừng lên ý chí và nghị lực của  chàng trai Hà Nội, sáng bừng lên lí tưởng của cả một thế hệ đã hi sinh vì Tổ quốc thân yêu. Chắc hẳn khi đọc, chúng ta sẽ không thể quên được những dòng nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc khi anh viết lên những cảm nhận của mình về thiên nhiên bình dị mà thân thuộc: “Chân bước trên rơm thơm, khó ai định liệu được mình còn ao ước cuộc sống nào hơn thế nữa". Chính vì yêu tha thiết quê hương đất nước, người thanh niên ấy đã xây đắp cho mình một ý chí, nghị lực sống và chiến đấu hết mình cho Tổ quốc thân yêu.   

     Người trai Hà Nội ấy đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất Quảng Trị 49 năm về trước. Hôm nay, sau 46 năm ngày chiến tranh khép lại, các bạn sẽ được nghe những tâm tình của anh qua cuốn sổ nhật kí quân ngũ anh ghi trong quãng thời gian huấn luyện tân binh.

     Trước lúc hi sinh, anh vẫn nói với đồng đội: "chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa... bao dự định còn dang dở”. Anh đã hi sinh khi tuổi mới 20.

- Hình ảnh "không thể quên" về anh bộ đội Cụ Hồ -

     Tấm gương của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là minh chứng cho Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng, dân tộc Việt Nam anh hùng.

     Nhật kí "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc sẽ là một cuốn sách thật ý nghĩa, một tư liệu quý giá mà những học sinh trường THCS Phúc Xá và thế hệ trẻ của chúng ta không thể không đọc. Mời các bạn tìm đọc "Mãi mãi tuổi hai mươi"! và hẹn gặp lại các bạn tại thư viện trường THCS Phúc Xá khi học sinh đi học trở lại.

Thư viện - Trường THCS Phúc Xá


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá

Chia sẻ: