Trang chủ Tin tức - sự kiện

Cảnh báo tâm lý “Trước sau gì cũng mắc COVID-19”

11/01/2022 111

Hiện nay, nhiều người dân có tâm lý chủ quan trước sau gì cũng mắc COVID-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khuyến cáo, người mắc COVID-19 có thể đối mặt nhiều nguy cơ chuyển biến nặng hoặc nếu vượt qua cũng gặp ít nhất 1 triệu chứng hậu COVID-19, trong số 200 triệu chứng đã được thế giới công bố.

Lắng nghe chuyên gia để chủ động phòng, chống dịch

Trong những ngày gần đây, Hà Nội lại tiếp tục dẫn đầu cả nước với số lượng F0 tăng cao. Ngày 10/01, Hà Nội ghi nhận 2.811 ca Coviod-19, đây là ngày ghi nhận số ca mắc nhiều nhất từ trước tới nay ở Hà Nội. Cả xã hội đang phải gồng mình ứng phó trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan “trước sau gì cũng mắc COVID-19".

Theo các chuyên gia đây là tâm lý nên được thông cảm nhưng không nên ủng hộ. PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y dược TPHCM cho biết: “Khi chúng ta nhiễm COVID-19 thì có một tỷ lệ nào đó từ 5-10% bị hội chứng là hậu COVID-19. Mặc dù theo các nghiên cứu trên thế giới, khi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ thì giảm nguy cơ hậu COVID-19, nhưng vẫn không giảm hoàn toàn mà chỉ giảm một nửa”.

Bên cạnh đó, người bị nhiễm COVID-19 dù không mắc bệnh nền, không phải người lớn tuổi vẫn có tỷ lệ, dù không nhiều, có thể diễn tiến nặng hoặc chuyển biến xấu. Và với cộng đồng, việc không nên để nhiều người mắc COVID-19 còn có một ý nghĩa quan trọng về yếu tố dịch tễ.

“Khi có nhiều người nhiễm cùng lúc, có khả năng xuất hiện một biến chủng mới. Mặc dù tỷ lệ này không xảy ra nhiều nhưng chúng ta cần thận trọng, tránh ảnh hưởng đến cộng đồng”.

Sau tiêm vaccine vẫn có xác suất nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là khi trở thành F0 sẽ giống như “quả bom nổ chậm” với những người xung quanh. Bởi họ sẽ là nguồn lây, đặc biệt sẽ nguy hiểm đến trẻ dưới 12 tuổi và người lớn tuổi có bệnh nền.

UBND quận Ba Đình khuyến cáo đề nghị Nhân dân

Hạn chế tiếp xúc xã hội tiếp tục là một chiến lược quan trọng đối với đại dịch Covid-19 của nước ta. Thông điệp mà Chính phủ, Bộ Y tế, Thành phố Hà Nội và quận Ba Đình đưa ra là: Nếu không có nhiệm vụ gì, nếu thực sự không cần thiết thì nên ở nhà, vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng đang rất cao.

Hãy ở nhà càng nhiều càng tốt là tự bảo vệ bản thân mình, bảo vệ người thân, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và bớt đi gánh nặng cho Thành phố và quốc gia.

Nếu thực sự cần thiết phải ra khỏi nhà, mỗi người cần chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện tốt thông điệp 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ.

Nếu có triệu chứng sốt, ho, khó thở, chẳng may bạn bị F0 hãy bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng; Hãy gọi điện thoại cho cơ quan y tế gần nhất; hoặc số điện thoại đường dây nóng của quận Ba Đình số điện thoại 0243.7625064; 0968680138 để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời. Hoặc gọi tổng đài 1022 ( bấm phím 3) - Tiếp nhận thông tin F0 điều trị tại nhà và tư vấn y tế về phòng chống dịch Covid-19.

Nguồn: UBND quận Ba Đình


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá

Chia sẻ: