Trang chủ Hoạt động giáo dục

Thư viện Trường THCS Phúc Xá giới thiệu sách tháng 4 - Chủ đề: “Kỉ niệm ngày giải phóng miền Nam 30-4”

04/04/2024 287

Cuốn sách: “Ngã ba Đồng Lộc- Ngã ba anh hùng”

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ dựng nước và giữ nước đã có biết bao lớp người đã anh dũng hy sinh để làm nên những chiến công vĩ đại góp phần bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả nó để lại vẫn còn nhức nhối, sự mất mát hi sinh vẫn khắc sâu. Là người Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về những chiến công hào hùng, con người anh hùng của quê hương đất Việt, những con người đã không tiếc tuổi thanh xuân, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập - tự do của dân tộc. Nhằm hướng tới kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2024), thư viện trường THCS Phúc Xá trân trọng giới thiệu tới các em học sinh cuốn sách “Ngã ba Đồng Lộc – Ngã ba anh hùng” của các tác giả Bùi Minh Huệ và Đặng Thị Yến       

C:\Users\Administrator\Desktop\z5313413091429_e87bb1feaaecc961e6a421078de936db.jpg

Cuốn sách “Ngã ba Đồng Lộc – Ngã ba anh hùng” do nhà xuất bản Đại học Vinh ấn hành vào năm 2017. Sách dày 152 trang; được in trên khổ giấy 14,5x20,5cm. Bìa sách được in với  hình ảnh tượng đài chiến thắng Đồng Lộc và hình ảnh chân dung của 10 cô gái thanh niên xung phong với những gương mặt tươi trẻ, hồn nhiên tràn đầy năng lượng, ở giữa nổi bật là 2 dòng chữ “Ngã ba Đồng Lộc – Ngã ba anh hùng”.

Các em học sinh thân mến! Lật mở từng trang sách, chúng ta sẽ khám phá những nội dung vô cùng hấp dẫn bởi sự kết hợp của kênh chữ và kênh hình vô cùng bắt mắt. Cuốn sách gồm có 2 phần:

Phần 1 - Các hạng mục di tích. Trong phần này, tác giả đã giới thiệu với bạn đọc 10 hạng mục di tích. Nổi bật trong đó có thể kể đến:

- Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc, biểu tượng bất hủ của sức mạnh, ý chí quyết chiến quyết thắng , tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, công an, dân quân

       - Nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sỹ TNXP toàn quốc khắc tên 1950 anh hùng, liệt sỹ TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.
      - Nhà truyền thống TNXP toàn quốc là nơi  mà lịch sử TNXP hiện lên tráng liệt nhất, rõ nét nhất, sống động nhất.  Với 110 hiện vật gốc, hàng chục ảnh gốc và 145 hiện vật được phục chế cho người xem thấy cuộc sống lao động, chiến đấu của thanh niên xung phong trên mọi ngả đường  với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến”. Hiện vật gồm đồ đạc sinh hoạt, dụng cụ chiến đấu của thanh niên xung phong : xe bò, xe cút kít, ống nhòm, xắc cốt …, hình ảnh bộ dội với nòng pháo cao xạ, công nhân giao thông với máy xúc, máy ủi; những bức ảnh chụp cảnh trong giờ chiến đấu, ảnh đời thường và cảnh ca hát  của thanh niên xung phong.

  Phần 2 - Chiến công và huyền thoại. Trong phần này, cuốn sách kể về những chiến công của các tiểu đội, đại đội, trung đoàn và 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Đọc những trang viết ấy, chúng ta sẽ biết thêm được nhiều điều về lịch sử dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngã ba Đồng Lộc  chính là điểm quyết chiến chiến lược giữa các lực lượng của Việt Nam với không quân Mỹ. ”Ngã ba Đồng Lộc có vị trí rất quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc – Nam qua địa bàn Hà Tĩnh, là giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Từ đây có thể mở rộng ra các hướng phục vụ tốt cho nhu cầu giao thông vận tải khi các tuyến giao thông đồng bằng bị cắt đứt. Đây cũng là nơi có địa hình phức tạp và hiểm yếu”. Nhận rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc, địch tập trung đánh phá ác liệt khu vực này; trong vòng 7 tháng (từ tháng 4/1968 đến tháng 10/1968), chúng đã đánh vào Ngã ba 1863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn rốc-két và đạn 20mm, bom bi. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất là 103 lần với trên 800 quả bom các loại. Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn”.

Trong khói lửa đạn bom ác liệt, sự sống và cái chết cận kề nhưng đã có trên 16.000 người thuộc các lực lượng ngày đêm vẫn kiên cường bám trụ, mưu trí, chiến đấu dũng cảm trên đất lửa Đồng Lộc, với quyết tâm sắt đá: “Tim có thể ngừng đập nhưng đường phải thông”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “đường chưa thông không tiếc xương, tiếc máu”, địch phá một ta làm mười”… đã trở thành phương châm sống lí tưởng của quân dân ta.

Trong cuộc chiến này, chúng ta đã giành được thắng lợi một cách oanh liệt, tuy nhiên cũng phải phải đánh đổi biết bao xương, máu, tuổi xuân và biết bao nước mắt với  những đau thương của người mẹ mất con, vợ mất chồng, con cái mất cha, mẹ,… Trên chiến trường khốc liệt này, đã có hàng trăm người con ưu tú của dân tộc mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, linh hồn của họ đã hóa thân vào hồn thiêng sông núi. Trong đó, tiêu biểu nhất là sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ thanh niên xung phong - 10 đoá hoa trinh liệt vào ngày 24/7/1968 đã viết thêm một câu chuyện huyền thoại bất tử của dân tộc ta. Với tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai lập gia đình, máu xương của các chị đã hòa tan vào non sông, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng của các chị đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện sự cống hiến to lớn, không tiếc tuổi xuân của tầng tầng, lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Sự hy sinh anh dũng của các chị đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta tại chiến trường Đồng Lộc và công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam

Đọc cuốn sách “Ngã ba Đồng Lộc - Ngã ba anh hùng”, chúng ta sẽ càng thêm thấu hiểu những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh vì độc lâp, tự do của dân tộc.

Các em học sinh hãy tìm đọc cuốn sách “Ngã ba Đồng Lộc - Ngã ba anh hùng” đó nhé!

  Thư viện trường THCS Phúc Xá   
Ban truyền thông


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 5 đánh giá

Chia sẻ: