Trang chủ Trang chủ

Trường cấp III nào sẽ phù hợp nhất với con?

23/04/2024 75

Chỉ còn vài tuần nữa, học sinh lớp 9 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 - kỳ thi được đánh giá là quan trọng hơn cả kỳ thi vào ĐH, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội. Để chọn được trường cấp 3 tốt và phù hợp vẫn luôn là điều mà các bậc phụ huynh và các con học sinh băn khoăn, lo lắng. Bài viết dưới đây của trường THCS Phúc Xá sẽ giúp phụ huynh cũng như các con học sinh có thêm một kênh tham khảo để qua đó có thể chọn được môi trường phù hợp nhất cho con.

A colorful rectangular card with text and imagesDescription automatically generated with medium confidence

1. Phù hợp với năng lực của học sinh

Với tiêu chí này phụ huynh và các con học sinh cần: Căn cứ vào kết quả học tập; Điểm chuẩn của các trường (2-3 năm trở lại đây) và cách ưu tiên đặt thứ tự các nguyện vọng để đảm bảo an toàn

Lưu ý:

Ngoài NV chuyên (học sinh có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào lớp chuyên, của 2 trong số 4 trường chuyên của Hà Nội) thì mỗi học sinh có 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập:

  • Nếu chỉ chọn 1 NV => Có thể chọn trường bất kỳ (toàn thành phố)
  • Nếu chọn 2 NV => NV 1 khu vực đăng ký HKTT, tạm trú; NV2: toàn thành phố
  • Nếu chọn 3 NV => NV 1,2 trong cùng khu vực đăng ký HKTT/tạm trú; NV3: bất kỳ

Điểm tuyển nguyện vọng 2: cao hơn điểm chuẩn vào trường 1,0 điểm.

Điểm tuyển nguyện vọng 3 phải cao hơn điểm chuẩn vào trường ít nhất 2,0 điểm.

Để không trượt cả 3 NV: NV1 vào trường thuộc tốp đầu thì NV2 phải chọn vào các trường có mức điểm chuẩn hằng năm thấp hơn trường tốp đầu ít nhất 2-3 điểm; Và nguyện vọng 3 nằm trong tốp có điểm chuẩn thấp hơn trường có nguyện vọng 2 khoảng 2-3 điểm.

Trong vài năm trở lại đây, Hà Nội không cho học sinh được đổi nguyện vọng sau khi công bố số lượng dự tuyển (15/5) do đó trước khi đặt bút viết các nguyện vọng PH và các con HS:

  • Cần tham khảo thông tin về tỉ lệ "chọi" và điểm chuẩn các năm trước của từng nhóm trường để có lựa chọn hợp lý.
  • Năm học này Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh lớp 9 sẽ xét tốt nghiệp THCS. Trong số này, dự kiến có trên 81.000 học sinh sẽ tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập, đạt khoảng 61%. Số còn lại sẽ học các trường tư thục, công lập tự chủ, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề của Hà Nội.

 

2. Phù hợp mục đích, định hướng sau THPT

+ Nếu mục đích là định hướng vào Đại học tại Việt Nam thì HS cần chọn các trường có tổ hợp môn phù hợp

A close up of a paperDescription automatically generated

THPT Phạm Hồng Thái (2023-2024)

 

THPT Tây Hồ (2023-2024)

+ Nếu định hướng là đi du học thì HS cần chọn trường quốc tế hoặc có chương trình quốc tế sẽ có nhiều lợi thế hơn so với trường của Bộ GD&ĐT vì chú trọng việc giảng dạy ngoại ngữ và kỹ năng học tập chuẩn bị cho môi trường đại học thế giới.

+ Nếu định hướng học nghề hoặc học các trường năng khiếu thì cần lựa chọn các trung tâm, cao đẳng dạy nghề theo mô hình đào tạo 9+ (học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp học nghề hệ trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp) hoặc các trường dạy năng khiếu thể thao, nghệ thuật… như Phổ Thông Năng Khiếu Thể Dục Thể Thao,…

3. Theo sở thích, tính cách của HS:

Ngoài 2 tiêu chí trên thì trong những năm qua, đã có những gia đình và các bạn học sinh của nhà trường là học sinh ngoan, học lực giỏi nhưng con có đam mê thiết kế đồ họa và đã có những lựa chọn riêng cho mình để giảm áp lực học hành thi cử. Gia đình đã rất ủng hộ con và đến thời điểm này vẫn cho thấy việc theo đuổi đam mê từ sớm của con là hoàn toàn chính đáng.

Do đó, việc chọn trường nếu chỉ được đánh giá là tốt từ phía PH trong khi chính các bạn HS lại cảm thấy không phù hợp thì cần tìm ra những phương án, cam kết chung. Và quan trọng là hướng đến mục tiêu cuối cùng là chọn được ngôi trường mà ở đó con mình có thể cảm thấy thoải mái nhất. Một ngôi trường phù hợp là ngôi trường mang lại hiệu quả học tập và định hướng được tương lai tốt, nhưng đáp ứng được sở thích, tính cách của con => phát triển tâm lý, nhân cách giúp con tự tin, dạn dĩ hơn trước ngưỡng cửa vào đời.

4. Tình hình kinh tế gia đình:

Bản thân các bậc phụ huynh cũng cần cân nhắc lựa chọn kỹ càng không nên chạy theo các ngôi trường danh tiếng và học phí đắt đỏ nhưng lại không phù hợp với năng lực, sở thích cũng như các định hướng của con sẽ làm gia tăng gánh nặng kinh tế gia đình và gây những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các con khi luôn phải đau đáu về việc cha mẹ luôn đang gồng gánh quá sức để đầu tư cho mình.

Ngoài 4 tiêu chí trên thì để có lựa chọn tốt nhất các bậc phụ huynh và các con học sinh cũng cần quan tâm đến một số tiêu chí phụ như:

- Cơ sở vật chất của trường: Đảm bảo các yêu cầu dạy học đổi mới, hiện đại giúp HS có thêm cơ hội học tập, trải nghiệm tốt hơn.

- Đội ngũ giáo viên: Không chỉ được đánh giá trực tiếp qua các văn bằng, chứng chỉ thể hiện trình độ và kỹ năng sư phạm mà còn thể hiện qua sự nhiệt huyết, yêu nghề, năng động sáng tạo và phương pháp giảng dạy khoa học.

- Khoảng cách địa lí: không nên chọn trường quá xa gây lãng phí thời gian di chuyển để đến trường học tập và không đảm bảo sức khỏe cho con khi phải thường xuyên đi sớm, về muộn.

Và tuyệt đối không chọn trường theo xu hướng của nhóm bạn chung lớp, chung trường. Trong một nhóm bạn chơi cùng nhau, có thể mọi người đồng điệu về tâm hồn, cách suy nghĩ, lối sống nhưng, trình độ nhận thức và năng lực thì không hoàn toàn như nhau. Do đó, mỗi bạn HS hãy tự nhìn nhận để biết điểm mạnh, yếu của mình ở đâu để có những lựa chọn sáng suôt và phù hợp nhất cho bản thân.

Cô Nguyễn Thị Hoàng – Tổ trưởng chuyên môn tổ Tự nhiên 2

Ban truyền thông


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 3 đánh giá

Chia sẻ: